Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn đạp thuộc địa, bản dịch của Nguyễn Văn Trường - thủ thư Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), được Nhà xuất bản Thế giới phát hành đầu tháng 3. Tác phẩm do nhà xuất bản L’Harmattan, Paris ấn hành trong bộ sách Nghiên cứu châu Á, ra mắt năm 2004.
Theo tác giả Lorin, Paul Doumer là nhân vật chiếm vị trí trọng yếu không chỉ ở Đông Dương thuộc Pháp mà cả ở nước Pháp, khi ngày nay, có đến 25.000 đường phố được đặt theo tên ông. Từ vị trí Bộ trưởng Tài chính, sau nhiệm kỳ 5 năm làm Toàn quyền Đông Dương, trở về nước, ông từng giữ chức Chủ tịch Hạ viện, tiếp tục làm Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Thượng viện, rồi Tổng thống Cộng hòa Pháp.
Amaury Lorin đưa vào sách lời nhận xét của nhà sử học Charles Fourniau: "Chính Đông Dương là nơi Doumer mong muốn dùng làm điểm tựa để lấy sức bật lên tới đỉnh cao quyền lực của nhà nước". Amaury Lorin phân tích "Phương pháp Doumer" - tóm lược trong vài từ như ý chí, tính thực dụng, lòng kiên trì - giúp Paul Doumer đẽo tạc nên thuộc địa châu Á giống một "cỗ xe lăn" không thể cản.
Bìa sách "Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn đạp thuộc địa". Ảnh: Tiên Long. |
Sách lý giải những bối cảnh cụ thể khiến Paul Doumer được cử tới Đông Dương và cách thức trong 5 năm chuyển giao giữa hai thế kỷ - từ năm 1897 tới năm 1902 - ông để lại dấu ấn sâu đậm, thậm chí hiện hữu tới nay.
Tác giả nhận định qua nhiệm kỳ của Doumer, người Pháp đã thiết lập xong bộ máy khai thác hợp lý và hiệu quả trên cõi Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog Đông Dương sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc. Đông Dương lần đầu tiên trở thành thuộc địa tạo ra lợi nhuận, không còn phải trông chờ ngân sách của chính quốc. Với góc độ của người Việt, đó là lúc thực dân Pháp đã bóc lột triệt để các nguồn lực ở thuộc địa. Còn với người Pháp, đây là thời kỳ thu hoạch mà phe thuộc địa ở Paris cũng như ở Đông Dương yêu cầu sau giai đoạn chinh phục kéo dài.
Khi cai trị ở Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lưu lại tên tuổi với hai đóng góp chính, đầu tiên là những công trình hạ tầng lớn - nhất là đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt đến Vân Nam - và các cơ sở văn hóa, khoa học như EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang... bên cạnh khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt.
Tác giả phân tích công cuộc thực dân hóa của Pháp có vô vàn khoảng tối cũng như điểm sáng. Mỗi vấn đề đều có tính tích cực với số đông này và tội lỗi với số đông khác. Những điều này cũng dấy lên tranh luận nảy lửa ngay cả ở Pháp. Amaury Lorin sử dụng các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa và các kho tư liệu của chính quyền Đông Dương được chuyển về lưu trữ tại Pháp để làm sáng tỏ.
Paul Doumer là người cho xây dựng cầu Long Biên (cây cầu còn mang tên ông). Ảnh tư liệu. |
Cuốn sách của Lourin nhận nhiều giải thưởng tại Pháp, như giải Auguste Pavie của Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại năm 2005 và giải của Hội Nhà văn chiến binh năm 2006. Sách hữu ích cho những người muốn tìm hiểu về nhân vật Paul Doumer cũng như tình hình Việt Nam và Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20.
Tác giả Amaury Lorin sinh năm 1972, tốt nghiệp cao học ngành Sử học đương đại (Viện Nghiên cứu Chính trị Paris – IEP), từng thực hiện nhiều chuyến đi khảo cứu tại các nước Đông Dương cũ, đặc biệt Việt Nam và Campuchia. Ông lấy bằng Tiến sĩ lịch sử tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris theo học bổng của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO).
Tiên Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét